Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Cha bệnh tim nuôi con bại liệt!


Những ai có một đôi chân khỏe mạnh chắc không thể hiểu được hết những khát khao của người bị liệt, những người không có khả năng di chuyển bình thường trên đôi chân của mình. Họ ước mơ rất đỗi giản dị là một lần được đứng dậy để nhìn cuộc sống xung quanh. Anh Đặng Văn Úc cũng vậy, anh cũng có một ước mơ chưa được nói thành lời, nó chỉ được thể hiện trong những tiếng kêu la ầm ĩ…
 Bất hạnh từ lúc mới chào đời...
 Anh Đặng Văn Úc (sinh năm 1981, ngụ 162/3A tổ 37, khu phố Thạnh Hòa B, thị trấn An Thạnh, TX.Thuận An), sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em. Từ lúc mới ra đời anh đã không được bình thường như những đứa trẻ khác, khi lớn lên thì gia đình hoàn toàn thất vọng và hụt hẫng khi biết anh không thể sinh hoạt và đi lại bình thường được, dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của anh vẫn không khỏi.
 
  Ông Đặng Văn Trước đang vệ sinh cá nhân cho đứa con trai nằm liệt một chỗ

 
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ mất sớm, anh sống trong sự yêu thương, chăm sóc của cha. Cuộc sống của anh là những tháng ngày nghiệt ngã, anh nằm một chỗ, không thể nói chuyện, không thể tự sinh hoạt cá nhân, mỗi khi có người tới chơi anh lại đập tay vào ngực rồi la ú ớ để thể hiện niềm vui của mình. 31 năm qua anh chỉ nằm một chỗ trên nền nhà, không một mảnh chiếu, khi trái gió trở trời anh lại quặn mình trong những cơn đau. Nhìn anh, đâu ai biết rằng anh đã trải qua 31 mùa xuân nhưng chưa bao giờ anh cảm nhận được điều đó.
Khi người ta sống đầy đủ thì dường như suy nghĩ của họ sẽ hướng tới những điều cao sang, còn mong ước của những người thiếu thốn thì thật nhỏ bé và bình thường. Có lẽ ước mơ của anh Úc không gì hơn ngoài một cơ thể khỏe mạnh để hòa nhịp với cuộc đời nhưng rất khó để với tới!
Và giọt nước mắt của người cha
Vì thương cho số phận nghiệt ngã của con mình, ông Đặng Văn Trước đã một mình chèo chống nuôi con kể từ khi vợ ông qua đời 17 năm trước. Hàng ngày sau những giờ lao động mệt mỏi, trở về căn nhà lụp xụp ấy, ông lại lo cho đứa con của mình, lo ăn uống rồi vệ sinh cá nhân, những công việc ấy tưởng chừng như rất khó khăn với ông nhưng nó lại quá quen thuộc. Hình ảnh một người cha chăm sóc cho đứa con tàn tật của mình đã làm cho biết bao người phải rơi lệ. Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, hàng ngày ông còn phải chống chọi với căn bệnh tim của mình, vì không có tiền chạy chữa nên hàng tháng ông phải lên bệnh viện tỉnh mua thuốc một lần để cầm cự, để sống và lo cho con.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những giọt nước mắt của người cha lại lăn dài trên đôi gò má kham khổ, ông thương cho số phận nghiệt ngã của con, ông lo căn bệnh của mình sẽ lấy đi mạng sống bất cứ khi nào và sợ rằng sẽ không ai lo cho đứa con tật nguyền… Số phận của hai con người này nghiệt ngã lắm thay!
 YÊN ĐỊNH

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Nỗi lo của cô học trò nghèo trước ngưỡng cửa đại học


Với những cô cậu học trò thì niềm vui nào bằng được bước chân vào giảng đường đại học (ĐH). Tuy nhiên cũng có nhiều người niềm vui đó không được trọn vẹn vì bên cạnh niềm vui là trĩu nặng nỗi lo, lo vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, liệu có đủ sức để trang trải cho những năm ĐH...
Kể từ khi hai vợ chồng ly hôn, đã gần 15 năm nay, chị Nguyễn Ngọc Lan ở khu phố Thạnh Phú, phường An Thạnh, TX.Thuận An sống cảnh mẹ góa con côi với gia cảnh hết sức khó khăn. Khi chúng tôi đến, hai mẹ con chị đang ở trong căn nhà cũ nát không đủ che mưa nắng. Được biết, năm 2011 chị đã có làm hồ sơ ở phường để được cất nhà Đại đoàn kết nhưng chưa được phê duyệt. Hiện tại thu nhập của gia đình chủ yếu từ mảnh vườn của mẹ chị để lại, nhưng là đàn bà chân yếu tay mềm, việc chăm sóc vườn tược làm sao bằng đàn ông, cộng thêm mấy năm gần đây nguồn nước bị ô nhiễm nên thu hoạch cũng chẳng đáng là bao. Để có tiền nuôi con ăn học chị phải đi làm thuê làm mướn kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy nhưng công việc cũng không ổn định. Con gái chị là Nguyễn Tú Hằng dường như ý thức được cuộc sống nghèo khó và thương mẹ vất vả nên đã nỗ lực rất nhiều trong học tập. Từ những năm học tiểu học đến THPT, Hằng đều đạt học lực khá giỏi. Và trong năm 2012 này, Hằng đã thi đậu vào trường ĐH Thủ Dầu Một, chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
 
Trong căn nhà cũ dột nát, tủ sách là quý nhất đối với Hằng
Thi đậu ĐH không hẳn là điều quá khó đối với nhiều người nhưng với cô bé có hoàn cảnh khó khăn như Hằng thì đó là một nỗ lực rất đáng khen ngợi, là món quà quý giá nhất mà Hằng dành tặng cho mẹ đã tảo tần nuôi mình ăn học. Hằng khoe với chúng tôi giấy báo của trường gửi nhập học nhưng em cũng thấy lo vì mẹ chắc sẽ phải vất vả hơn và liệu có lo đủ tiền để trang trải trong 4 năm em học ĐH hay không. Chị Lan tâm sự, có những đêm hai mẹ con nằm thủ thỉ với nhau, Hằng bảo: “Con sẽ xin đi bán hàng ở siêu thị để mẹ không phải lo tiền học cho con”. Nhưng chị một mực không cho con đi làm thêm vì mới nhập học chưa biết ra sao đi làm thêm liệu có đủ sức khỏe để học không. Nên dù vất vả đến đâu chị cũng xoay sở để cho con được học đến nơi đến chốn. Hằng nói, em có nghe ở phường cũng có cho học sinh nghèo vay vốn đi học nên trước mắt em và mẹ muốn xin vay nguồn vốn này. Em chia sẻ với chúng tôi rằng hiện tại em sẽ cố gắng học thật tốt để hoàn thành chương trình ĐH, có được việc làm để giúp mẹ.
Chắc hẳn chúng ta không khỏi xúc động và cảm thông với hoàn cảnh của cô tân sinh viên mà phía trước giảng đường ĐH đang mở ra cho em một tương lai tươi sáng hơn. Chia tay, chúng tôi chúc mẹ con chị sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn và chúng tôi tin chắc rằng xã hội sẽ giang rộng vòng tay với những người nghèo nhưng không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống như mẹ con chị.                 
ĐỨC LÊ

Không nơi nương tựa!


 
Sau ngày mẹ Sanh qua đời, bà con khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, TX.Thuận An rất ít khi được nhìn thấy nụ cười hiền luôn hiện trên mặt của ông Quảng Văn Bài như trước. Cũng vì thế, căn bệnh cũ trong cơ thể ông nay càng nặng, khiến ông tiều tụy, già yếu trước tuổi.
Căn nhà tình nghĩa bằng gỗ được địa phương xây tặng cho mẹ liệt sĩ Quảng Thị Sanh cách đây đã gần 20 năm, nay đã xuống cấp. Một phần bị mối mọt tấn công, một phần ẩm thấp do ngập nước nên không biết sẽ sập xuống lúc nào. Trong căn nhà ấy hiện không có một vật dụng gì giá trị hơn chiếc xe lăn của ông Quảng Văn Bài. Mấy ngày gần đây, bà con trong khu phố không thấy ông xuất hiện ở quán cháo lòng của cô Bé Tư ngay đầu con phố, vậy là họ biết ông đã bệnh nằm liệt giường. Người thì góp cho ông lon gạo, có người nấu sẵn bới cho ông tô cơm. Ai cho gì ăn đó, chứ có lúc ông không còn đủ sức để nấu nổi nồi cơm. Ông Bài thì thào nhỏ nhẹ: “Không có cô Bé Tư, chắc tôi không còn sống tới ngày hôm nay. Sáng nào cũng vậy, thấy tôi đẩy xe lên là cô ấy múc cho tô cháo lót dạ. Những hôm ốm đau không đi nổi, thỉnh thoảng cô ấy kêu người đem xuống”.
 
Cán bộ khu phố Thạnh Hòa A thăm hỏi sức khỏe ông Bài
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, ông Bài ngước mặt nhìn những tia nắng lọt qua mái tôn gỉ sét rồi thở dài: “Anh em thì đông nhưng bây giờ chẳng còn ai. Người thì chết do bệnh tật, người thì chết do dính phải bom mìn. Anh Sáu tên Võ Văn Nè tham gia cách mạng từ năm 1961, đến năm 1965 thì hy sinh ở chiến trường Hóc Môn, TP.HCM. Anh ấy lấy đúng theo họ của ba. Tôi vì trốn đi lính nên lấy họ mẹ”, ông Bài giải thích. Năm 1973, trong một lần trốn lính, ông đã giẫm phải mìn chống tăng và phải nằm liệt giường. Gần 10 năm sau đó ông mới tập tễnh đi bằng nạng, đi đâu xa thì ngồi xe lăn. Cũng chừng ấy thời gian, mẹ Sanh đã còm cõi lo cho ông từ miếng cơm manh áo, thuốc men. “Ngoài tiền trợ cấp liệt sĩ, hàng ngày mẹ phải dầm mưa dãi nắng buôn thúng bán bưng mới đủ chi tiêu cho gia đình. Vì lo cho tôi mà mẹ đã chịu quá nhiều vất vả”, ông Bài nghẹn ngào.
Cách đây 4 năm, mẹ Sanh qua đời vì bệnh nặng, ông Bài trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Ông hụt hẫng, buồn đau. Bản thân lại ốm đau, không làm gì kiếm ra tiền mua thuốc nên bệnh tình càng trở nặng. Đã nhiều năm qua, mỗi tháng ông chỉ sống dựa vào 340.000 đồng tiền trợ cấp từ Nhà nước. Thương cho hoàn cảnh của ông, bà Đỗ Thị Thu Trang, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu phố Thạnh Hòa A đã vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho ông 10kg gạo/tháng. Ông Bài tâm sự: “Cứ mỗi lúc trái gió trở trời là toàn thân tôi đau nhức không đi lại được, nhất là vào tháng mưa”. Với số tiền ít ỏi có được, ông chỉ để dành mua thuốc uống. Hôm nào hết thuốc thì ráng chịu đau. Ông bảo: “Ăn uống chỉ “qua loa”. Bà con lối xóm có thương, cho gì thì ăn đó. Nhiều lúc cũng nhịn đói, nhưng riết rồi quen”.
Khổ cực, bệnh đau, vậy mà ông đã sống như thế hết ngày này qua tháng nọ. Cả cuộc đời của ông gần như chưa bao giờ được sướng, chưa bao giờ cầm được tiền triệu. Nhưng có lẽ ông cũng không mơ tưởng gì quá cao xa ngoài việc có được ít tiền để uống thuốc trị bệnh.
QUANG TÁM

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Cụ già neo đơn cần được giúp đỡ

 
Bà Trần Thị Xê (79 tuổi), ngụ tại số nhà 65, ấp An Quế, xã An Sơn (TX.Thuận An), không có chồng, con, người thân phải sống côi cút trong căn nhà tình thương cũ kỹ. Với mong ước có cái ăn, cái mặc đầy đủ, nhưng ước mơ đó gần như quá sức với bà khi tuổi đã xế chiều, không còn sức lao động.
Được sự giới thiệu của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Vì cộng đồng (Bình Dương), chúng tôi đã đến thăm bà Ba Thài (tên thường gọi của bà Xê). Trước vườn cây ăn trái xanh ngát, căn nhà bà Ba hiện lên lẻ loi như chính cuộc đời bà đã và đang sống. Hơn 20 năm nay, căn nhà này đã lưu giữ lại trong bà bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn. Bên trong căn nhà nhỏ của bà không có tài sản gì đáng giá, ngoài 2 chiếc giường ọp ẹp và chiếc bàn thờ. Theo tìm hiểu của người viết, trước đây khu đất rộng xung quanh nhà là của gia đình bà, nhưng do cuộc sống quá khó khăn, cần tiền chạy chữa thuốc thang cho ba mẹ, bà đã bán cho người khác. Thấy hoàn cảnh bà đơn thân, chủ đất đã cho bà mượn một khoảng đất trống để cất nhà.
Kể về cuộc đời của mình, bà Xê rươm rướm nước mắt: Bà lập gia đình năm 20 tuổi, sống chung một năm thì ly dị. Bà không đi bước nữa mà sống cùng ba mẹ cho đến khi họ qua đời. Không có người thân để nương tựa, ban ngày bà đi bán nhang, đêm đến trở về với căn nhà tối om, hiu quạnh. Những tưởng đến già bà sẽ có cuộc sống yên bình, thế nhưng năm 2010, trên đường đi bán nhang bà bị tai nạn giao thông. Người gây tai nạn đưa bà đến bệnh viện và biệt tăm với lời nhắn gửi bà 500.000 đồng. Sau tai nạn, đôi chân bà không thể đi lại được. Bà phải sống cuộc sống tật nguyền.
 
Niềm hạnh phúc của bà là được trò chuyện cùng ai đó
Suốt 2 năm, không thể rời khỏi chiếc giường, mọi sinh hoạt của bà đều nhờ mọi người xung quanh. Biết được hoàn cảnh của bà, nhiều người thỉnh thoảng lại cho bát cơm, củ khoai, hỗ trợ bà lúc khốn khó. Thương cảm trước hoàn cảnh của bà, các bạn trẻ trong CLB Vì cộng đồng đã góp sức đến thăm, bắt cho bà bóng điện để căn phòng đỡ lạnh lẽo, cô đơn. Riêng căn nhà bà đang sống cũng do UBND xã An Sơn xây tặng. Hiện nay, tuy được nhận trợ cấp hàng tháng, nhưng vẫn không thấm vào đâu so với tiền thuốc, tiền ăn. Bởi vậy bà rất mong được sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân để bà có thể sống vui những ngày tháng còn lại. Bà Ba ao ước “cuộc sống đơn thân, tôi chỉ mong rằng khi nhắm mắt, xuôi tay có người lo mai táng. Đặc biệt, hãy cho tôi được yên nghỉ dưới mảnh đất đã từng chôn nhau cắt rốn này”.
Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn Bùi Ngọc Vy, cho biết: Bà Xê thuộc dạng nghèo nhất ở địa phương, không nhà, không đất, không nghề... Trước hoàn cảnh của bà, UBND đã xây tặng bà căn nhà tình thương, bên cạnh đó những dịp lễ, tết đều đến thăm, tặng quà cho bà. Tuy nhiên, do địa phương còn nhiều hộ khó khăn nên không thể giúp bà thường xuyên. Rất cần những tấm lòng chia sẻ, hỗ trợ bà cụ neo đơn đáng thương này.
Bạn đọc ủng hộ cho “Người mẹ già nuôi con bệnh hiểm nghèo”
Vừa qua, Tòa soạn có nhận số tiền 1.500.000 đồng của anh Nguyễn Quốc Bửu (ủng hộ 1.000.000 đồng) và anh Đoàn Thanh Hải (ủng hộ 500.000 đồng), cùng ngụ ở TP.TDM, ủng hộ giúp đỡ cho hoàn cảnh của cụ bà Lại Thị Phơi, ngụ tại tổ 2, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo (Người mẹ già nuôi con bệnh hiểm nghèo, đăng số báo ngày 22-8-2012). Cụ Phơi nay đã 71 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn phải đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi lượm mủ đất để bán lấy tiền nuôi người con trai hơn 40 tuổi bị mù và mắc bệnh tiểu đường.
Thay mặt gia đình, Tòa soạn xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của anh Bửu và anh Hải, chúng tôi sẽ chuyển số tiền của các anh đến cụ Phơi.
Tòa soạn rất mong tiếp tục đón nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân và các bạn đọc gần xa cho trường hợp nêu trên. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo Bình Dương số 543 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TX.TDM hoặc gọi đến số: 0650.3827912 - 0913.649330.
XUÂN LẠC

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Đừng tuyệt vọng!

(BDO) Một người ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, người kia ở phường An Thạnh, thị xã Thuận An; tuy tuổi đời, hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ có điểm chung là bệnh tật và nghèo. Họ đã và đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất trong cuộc đời khi mà việc lo từng bữa ăn qua ngày đã vượt quá khả năng của mình thì lấy đâu ra tiền để mua thuốc chữa bệnh…
3 năm mang “bụng bầu”
Ngày 18-7, đại diện lãnh đạo Báo Bình Dương đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên chị Đầm và trao số tiền 5 triệu đồng cho chị. Được biết, những ngày qua, sau khi Báo Bình Dương thông tin về hoàn cảnh chị Đầm, một số cá nhân, tổ chức đã đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ vật chất cho chị Đầm. Hội Chữ thập đỏ xã Minh Hòa đã vận động cán bộ, nhân viên trong xã và nhiều cá nhân khác giúp đỡ gia đình chị Đầm với mong muốn giúp chị thực hiện mơ ước của mình là được đến bệnh viện phẫu thuật.
Cùng ngày, Báo Bình Dương cũng đã đến thăm và trao số tiền 2 triệu đồng cho anh Nguyễn Văn Ngọc ở phường An Thạnh, thị xã Thuận An.
Nếu không được cán bộ xã Minh Hòa giới thiệu thì hẳn ai trong chúng tôi khi gặp cũng đều nghĩ chị Tôn Thị Đầm năm nay chắc đã ngoài 40 tuổi dù chị sinh năm 1991. Trong căn nhà rộng chừng 10 mét vuông, chị Đầm nằm đó trên chiếc giường ọp ẹp. Gọi là nhà nhưng thực ra đó là một căn chòi được quây bởi nhiều tấm ni lông và những tấm tôn rách nát chắc cũng chỉ che được nắng. Vậy mà, có cảm giác như không gian ấy quá rộng đối với cha con chị Đầm vốn gầy yếu vì bệnh tật triền miên.
 
Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương Đỗ Văn Thông thăm hỏi, động viên và trao tiền cho chị Đầm.
Cách đây 8 năm, chị Đầm cũng khỏe mạnh như những người con gái cùng trang lứa với biết bao ước mơ và dự định cho tương lai. Nhưng khi mà tất cả những ấp ủ tốt đẹp chưa thực hiện được thì mọi chuyện đã trở nên dở dang, xa vời với chị Đầm chỉ vì những căn bệnh quái ác dồn dập tìm đến. “Tội nghiệp lắm, cả hai cha con đều bị bệnh, không tiền thuốc men, miếng ăn hàng ngày cũng nhờ bà con trong xóm và những người tốt bụng giúp đỡ, giờ thì bệnh đã nặng quá rồi…”, chị Nguyễn Thị Hồng ở ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa, một người bà con của chị Đầm kể.
Lúc chị Đầm mới mắc bệnh, ai bày cách chữa trị gì cha con chị cũng làm theo. Trước đây cha chị cũng có nhà, đất ở Tây Ninh nhưng vì lo chạy chữa thuốc thầy cho con nên những tài sản có giá trị ấy cũng lần lượt ra đi. Tất cả tài sản, bao nhiêu công sức của người cha đã được đánh đổi vì sức khỏe của chị Đầm. Vậy nhưng, bệnh tình của chị Đầm không những không thuyên giảm mà ngày một nặng thêm. Người cha không còn đủ sức lực để tiếp tục cuộc hành trình cứu lấy con gái. Lực bất tòng tâm, người cha đổ bệnh. Vậy là trong ngôi nhà xiêu vẹo ấy giờ lại có thêm một người bệnh nữa.
Giờ trên cơ thể gầy yếu, xanh xao của chị Đầm đang cùng lúc phải mang nhiều căn bệnh mà bệnh nào cũng thuộc loại hiểm nghèo. Lần khám mới nhất, bác sĩ cho biết chị bị bệnh gan, lá lách và thận. Chị Đầm cho biết, cách đây 3 năm, sau nhiều cơn đau dữ dội, bụng của chị bắt đầu lớn dần lên, không lâu sau đã lớn như bụng của người mang bầu sắp đến ngày sinh. Một người bình thường khi mang bầu đã thấy khó khăn vất vả khi sinh hoạt hàng ngày, vậy mà chị Đầm với cái bụng to quá cỡ đã đeo đẳng chị suốt 3 năm nay. “Cứ mỗi khi ăn vào là bụng đau dữ lắm nhưng vẫn cố chịu đau để nuốt…”, chị Đầm nói.
Bác sĩ khuyên nên phẫu thuật sớm để còn hy vọng, nhưng với cha con chị Đầm miếng ăn còn phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ cưu mang của bà con lối xóm thì số tiền hàng chục triệu đồng để chữa bệnh quả là điều không tưởng. Vì thế mà chị Đầm đã cắn răng chịu đau ngày này sang tháng khác với cái bụng trương phình mỗi lúc mỗi lớn. “Nó chỉ ước một ngày nào đó sẽ được phẫu thuật để cái bụng trở lại bình thường dù chỉ là một phút…”, chị Hồng, người bà con của chị Đầm ngậm ngùi.
Liệt hai chân chăm mẹ già 90 tuổi
Anh Nguyễn Văn Ngọc, SN 1963, ngụ tại 191/2 khu phố Thạnh Phú, phường An Thạnh, thị xã Thuận An là người khuyết tật có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Hàng ngày, anh Ngọc ngồi xe lăn bán vé số dạo kiếm tiền phụng dưỡng mẹ già gần 90 tuổi bị tai biến không đi lại được. Vừa qua, trên đường đi bán vé số, anh Ngọc bị té ngã khi tự đẩy xe qua cầu khiến anh bị nứt xương vai, đầu và cánh tay trái bị rách da. Hiện tại, do không có tiền nằm viện nên anh Ngọc về nhà tự điều trị.
 
Đại diện Báo Bình Dương thăm hỏi  và trao tiền cho anh Nguyễn Văn Ngọc.
Anh Ngọc được bà con lối xóm ngợi khen là một người con hiếu thảo. Ngay từ khi còn nhỏ, ý thức hoàn cảnh gia đình khó khăn, hàng ngày, nhìn cảnh người cha già lặn lội đi nhổ cỏ mướn, đắp mương, hốt phân bón cây; mẹ thì quanh quẩn trong vườn cây của bà con quanh vùng để hái từng ngọn rau mang ra chợ bán kiếm tiền mua gạo, anh quyết tâm tìm việc làm phụ giúp ba mẹ vơi bớt nỗi nhọc nhằn.
Cuộc sống ở nông thôn thời ấy còn nhiều khó khăn, anh Ngọc suốt ngày chỉ biết đi giăng câu, mò cua, bắt cá phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống. Do làm việc không quản ngày đêm, mưa nắng nên một ngày kia anh Ngọc bị đổ bệnh. Sau những đợt cảm sốt dai dẳng mà không có tiền mua thuốc điều trị, sức khỏe anh Ngọc nhanh chóng suy sụp. Hết chân phải rồi đến chân trái bị teo cơ khiến anh không còn đi lại được. Do nằm một chỗ quá lâu nên anh bị vẹo cột sống, đầu bị nghiêng sang một bên. Cảm thương hoàn cảnh của anh, người thân và gia đình cố gắng đưa anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, nhưng vì không đủ khả năng đóng viện phí nên cuối cùng đành đưa anh quay trở về nhà, chịu cảnh khuyết tật từ năm 1984 cho đến nay.
Hiện tại, anh Ngọc sống cùng người mẹ già trong căn nhà tình thương do địa phương xây cất năm 1989. Anh chị em của anh Ngọc có người đã mất, người bị khuyết tật, người thì quá nghèo nên cũng không phụ giúp được gì. Trong căn nhà nhỏ không có vật gì đáng giá, duy nhất chỉ có 1 chiếc giường ọp ẹp đủ chỗ cho mẹ anh nằm.
Hiện tại, mặc dù vết thương còn khá đau nhức nhưng anh Ngọc vẫn cố gắng đi bán vé số kiếm tiền bữa cơm, bữa cháo chăm chút nuôi mẹ già.
Báo Bình Dương rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với hai trường hợp nói trên. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ về chương trình Nhịp cầu nhân ái, Báo Bình Dương, 543 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.TDM, Bình Dương. Điện thoại: 0650.3827912 - 0650.3842276. Hoặc Hội Chữ thập đỏ xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, điện thoại: 0650 3545003.
Đình Hậu - Công Luận

Người khuyết tật bán vé số gặp tai nạn cần giúp đỡ

 Anh Ngọc đang đút cháo cho mẹ ăn

Anh Nguyễn Văn Ngọc, SN 1963, ngụ tại 191/2 khu phố Thạnh Phú, phường An Thạnh, TX.Thuận An là người khuyết tật có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Hàng ngày, anh Ngọc ngồi xe lăn bán vé số dạo kiếm tiền phụng dưỡng mẹ già gần 90 tuổi bị tai biến không đi lại được. Vừa qua, trên đường đi bán vé số, anh Ngọc bị té ngã khi tự đẩy xe qua cầu khiến anh bị nứt xương vai, đầu và cánh tay trái bị rách da. Hiện tại do không có tiền nằm viện nên anh Ngọc về nhà tự điều trị.

Anh Ngọc được bà con lối xóm ngợi khen là một người con hiếu thảo. Ngay từ khi còn nhỏ, ý thức hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hàng ngày, nhìn hình ảnh người cha già lặn lội đi nhổ cỏ mướn, đắp mương, hốt phân bón cây; mẹ thì quanh quẩn trong vườn cây của bà con quanh vùng để hái từng ngọn rau mang ra chợ bán kiếm tiền mua gạo, anh quyết tâm tìm việc làm phụ giúp ba mẹ vơi bớt nỗi nhọc nhằn.
Cuộc sống ở nông thôn thời bấy giờ còn nhiều khó khăn, anh Ngọc chỉ biết suốt ngày đi giăng câu, mò cua, bắt cá phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống. Do làm việc không quản ngày đêm, mưa nắng nên một ngày kia anh Ngọc bị đổ bệnh. Sau những đợt cảm sốt dai dẳng mà không có tiền thuốc thang điều trị, sức khỏe anh Ngọc nhanh chóng suy sụp. Hết chân phải rồi đến chân trái bị teo cơ khiến anh không còn đi lại được. Do nằm một chỗ quá lâu nên anh bị vẹo cột sống, đầu bị nghiêng sang một bên. Cảm thương hoàn cảnh của anh, người thân và gia đình cố gắng đưa anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị nhưng vì không đủ khả năng đóng viện phí nên cuối cùng đành đưa anh quay trở về nhà, chịu cảnh khuyết tật từ năm 1984 cho đến nay.
Hiện tại, anh Ngọc sống cùng người mẹ già trong căn nhà tình thương do địa phương xây cất vào năm 1989. Anh chị em của anh Ngọc có người đã mất, người bị khuyết tật, người thì quá nghèo nên cũng không phụ giúp được gì. Trong căn nhà nhỏ không có vật gì đáng giá, duy nhất chỉ có 1 chiếc giường ọp ẹp đủ chỗ cho mẹ anh nằm.
Hiện tại, mặc dù vết thương còn khá đau nhức nhưng anh Ngọc vẫn cố gắng đi bán vé số kiếm tiền bữa cơm, bữa cháo chăm chút nuôi mẹ già. Chương trình Nhịp cầu nhân ái rất mong bạn đọc gần xa, các doanh nghiệp và những tấm lòng nhân hậu cùng chung tay chia sẻ giúp đỡ anh Nguyễn Văn Ngọc, một người con hiếu thảo sớm vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vượt qua bệnh tật vươn lên trong cuộc sống.
Mọi sự đóng góp giúp đỡ cho anh Nguyễn Văn Ngọc xin gửi đến địa chỉ nêu trên hoặc liên hệ chương trình Nhịp cầu nhân ái, Báo Bình Dương, 543 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.TDM, Bình Dương. Điện thoại: 0650.3827912 - 0650.3842276.
CÔNG LUẬN

Một gia đình nghèo đang cần sự chia sẻ




 Anh Hạnh bên đứa con trai út bị tật nguyền 
 Đến thăm nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Hạnh, chị Lê Thị Xuyến tại khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn vào ngôi nhà nhỏ, không có vật dụng gì đáng giá, thậm chí đến một cái bàn mời khách uống nước họ cũng không sắm được. Hiện tại gia đình họ đang rất khó khăn, vợ chồng anh Hạnh, chị Xuyến mất sức lao động, đứa con trai út bị mù mắt bẩm sinh, đã thế lại bệnh tật thường xuyên. Cả nhà đang sống dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi của hai cô con gái đầu...


Gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh (48 tuổi) và chị Lê Thị Xuyến (45 tuổi) sinh được 5 người con, trong đó có 4 người con gái và một người con trai. Khác với chị em trong gia đình, người con út Nguyễn Văn Hương mắc phải căn bệnh mù mắt bẩm sinh, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ em có một ngày hạnh phúc trọn vẹn, căn bệnh bẩm sinh đã lấy mất ánh sáng của Hương. Đã thế em lại luôn phải sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật thường xuyên, những lúc trái gió trở trời em lại lên cơn sốt, co giật liên tục rất tội nghiệp.
Công việc chính của anh Hạnh hàng ngày là làm việc cho một lò gốm ở gần nhà, vốn dĩ bị bệnh đau thần kinh tọa nhưng anh Hạnh cũng gắng gượng làm việc để lo cho gia đình. Trước đây bệnh đang còn nhẹ nhưng do làm việc nặng nhiều, lại bê đỡ thường xuyên nên bệnh ngày càng nặng thêm, hiện tại anh Hạnh không thể tiếp tục đi làm được nữa. Còn chị Xuyến thì đi lượm ve chai bán phụ thêm, thỉnh thoảng ai kêu gì làm nấy, trước chị hay đi làm việc thời vụ như: rửa chén thuê, đóng gói sữa... nhưng giờ do sức khỏe yếu, hay ốm đau nên chị không đi làm được hàng ngày, tháng thỉnh thoảng đi làm được một vài bữa. Hầu hết mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đến tiền học hành của con chỉ dựa vào đồng lương từ nghề làm gốm của anh Hạnh nhưng bây giờ cả anh Hạnh và chị Xuyến đều mất sức lao động nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
 Bà Lương Thị Út, Bí thư khu phố Nguyễn Trãi, cho biết: “Đây là hộ gia đình khó khăn thuộc diện nghèo nhất của khu phố, do vợ chồng anh Hạnh và chị Xuyến sức khỏe không có, gia đình lại đông con nên khu phố cũng có sự quan tâm. Hàng tháng khu phố cũng đã hỗ trợ cho em Hương 150.000 đồng tiền mua thuốc thêm. Tuy nhiên, chỉ phụ được một ít thôi, để giúp được nhiều thì không có, bởi vì trong khu phố cũng đang còn nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nữa”.
Hiện tại mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình anh Hạnh chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân của hai cô con gái lớn, liệu có thể lo đủ cuộc sống cho gia đình 7 nhân khẩu hay không? Rất mong sự quan tâm của những tấm lòng vàng trong xã hội, sự cảm thông, chia sẻ cho những số phận khó khăn, bất hạnh của gia đình này vơi bớt nỗi khó khăn.
T.HOÀI