Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Nỗi lo của cô học trò nghèo trước ngưỡng cửa đại học


Với những cô cậu học trò thì niềm vui nào bằng được bước chân vào giảng đường đại học (ĐH). Tuy nhiên cũng có nhiều người niềm vui đó không được trọn vẹn vì bên cạnh niềm vui là trĩu nặng nỗi lo, lo vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, liệu có đủ sức để trang trải cho những năm ĐH...
Kể từ khi hai vợ chồng ly hôn, đã gần 15 năm nay, chị Nguyễn Ngọc Lan ở khu phố Thạnh Phú, phường An Thạnh, TX.Thuận An sống cảnh mẹ góa con côi với gia cảnh hết sức khó khăn. Khi chúng tôi đến, hai mẹ con chị đang ở trong căn nhà cũ nát không đủ che mưa nắng. Được biết, năm 2011 chị đã có làm hồ sơ ở phường để được cất nhà Đại đoàn kết nhưng chưa được phê duyệt. Hiện tại thu nhập của gia đình chủ yếu từ mảnh vườn của mẹ chị để lại, nhưng là đàn bà chân yếu tay mềm, việc chăm sóc vườn tược làm sao bằng đàn ông, cộng thêm mấy năm gần đây nguồn nước bị ô nhiễm nên thu hoạch cũng chẳng đáng là bao. Để có tiền nuôi con ăn học chị phải đi làm thuê làm mướn kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy nhưng công việc cũng không ổn định. Con gái chị là Nguyễn Tú Hằng dường như ý thức được cuộc sống nghèo khó và thương mẹ vất vả nên đã nỗ lực rất nhiều trong học tập. Từ những năm học tiểu học đến THPT, Hằng đều đạt học lực khá giỏi. Và trong năm 2012 này, Hằng đã thi đậu vào trường ĐH Thủ Dầu Một, chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
 
Trong căn nhà cũ dột nát, tủ sách là quý nhất đối với Hằng
Thi đậu ĐH không hẳn là điều quá khó đối với nhiều người nhưng với cô bé có hoàn cảnh khó khăn như Hằng thì đó là một nỗ lực rất đáng khen ngợi, là món quà quý giá nhất mà Hằng dành tặng cho mẹ đã tảo tần nuôi mình ăn học. Hằng khoe với chúng tôi giấy báo của trường gửi nhập học nhưng em cũng thấy lo vì mẹ chắc sẽ phải vất vả hơn và liệu có lo đủ tiền để trang trải trong 4 năm em học ĐH hay không. Chị Lan tâm sự, có những đêm hai mẹ con nằm thủ thỉ với nhau, Hằng bảo: “Con sẽ xin đi bán hàng ở siêu thị để mẹ không phải lo tiền học cho con”. Nhưng chị một mực không cho con đi làm thêm vì mới nhập học chưa biết ra sao đi làm thêm liệu có đủ sức khỏe để học không. Nên dù vất vả đến đâu chị cũng xoay sở để cho con được học đến nơi đến chốn. Hằng nói, em có nghe ở phường cũng có cho học sinh nghèo vay vốn đi học nên trước mắt em và mẹ muốn xin vay nguồn vốn này. Em chia sẻ với chúng tôi rằng hiện tại em sẽ cố gắng học thật tốt để hoàn thành chương trình ĐH, có được việc làm để giúp mẹ.
Chắc hẳn chúng ta không khỏi xúc động và cảm thông với hoàn cảnh của cô tân sinh viên mà phía trước giảng đường ĐH đang mở ra cho em một tương lai tươi sáng hơn. Chia tay, chúng tôi chúc mẹ con chị sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn và chúng tôi tin chắc rằng xã hội sẽ giang rộng vòng tay với những người nghèo nhưng không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống như mẹ con chị.                 
ĐỨC LÊ

Không nơi nương tựa!


 
Sau ngày mẹ Sanh qua đời, bà con khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, TX.Thuận An rất ít khi được nhìn thấy nụ cười hiền luôn hiện trên mặt của ông Quảng Văn Bài như trước. Cũng vì thế, căn bệnh cũ trong cơ thể ông nay càng nặng, khiến ông tiều tụy, già yếu trước tuổi.
Căn nhà tình nghĩa bằng gỗ được địa phương xây tặng cho mẹ liệt sĩ Quảng Thị Sanh cách đây đã gần 20 năm, nay đã xuống cấp. Một phần bị mối mọt tấn công, một phần ẩm thấp do ngập nước nên không biết sẽ sập xuống lúc nào. Trong căn nhà ấy hiện không có một vật dụng gì giá trị hơn chiếc xe lăn của ông Quảng Văn Bài. Mấy ngày gần đây, bà con trong khu phố không thấy ông xuất hiện ở quán cháo lòng của cô Bé Tư ngay đầu con phố, vậy là họ biết ông đã bệnh nằm liệt giường. Người thì góp cho ông lon gạo, có người nấu sẵn bới cho ông tô cơm. Ai cho gì ăn đó, chứ có lúc ông không còn đủ sức để nấu nổi nồi cơm. Ông Bài thì thào nhỏ nhẹ: “Không có cô Bé Tư, chắc tôi không còn sống tới ngày hôm nay. Sáng nào cũng vậy, thấy tôi đẩy xe lên là cô ấy múc cho tô cháo lót dạ. Những hôm ốm đau không đi nổi, thỉnh thoảng cô ấy kêu người đem xuống”.
 
Cán bộ khu phố Thạnh Hòa A thăm hỏi sức khỏe ông Bài
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, ông Bài ngước mặt nhìn những tia nắng lọt qua mái tôn gỉ sét rồi thở dài: “Anh em thì đông nhưng bây giờ chẳng còn ai. Người thì chết do bệnh tật, người thì chết do dính phải bom mìn. Anh Sáu tên Võ Văn Nè tham gia cách mạng từ năm 1961, đến năm 1965 thì hy sinh ở chiến trường Hóc Môn, TP.HCM. Anh ấy lấy đúng theo họ của ba. Tôi vì trốn đi lính nên lấy họ mẹ”, ông Bài giải thích. Năm 1973, trong một lần trốn lính, ông đã giẫm phải mìn chống tăng và phải nằm liệt giường. Gần 10 năm sau đó ông mới tập tễnh đi bằng nạng, đi đâu xa thì ngồi xe lăn. Cũng chừng ấy thời gian, mẹ Sanh đã còm cõi lo cho ông từ miếng cơm manh áo, thuốc men. “Ngoài tiền trợ cấp liệt sĩ, hàng ngày mẹ phải dầm mưa dãi nắng buôn thúng bán bưng mới đủ chi tiêu cho gia đình. Vì lo cho tôi mà mẹ đã chịu quá nhiều vất vả”, ông Bài nghẹn ngào.
Cách đây 4 năm, mẹ Sanh qua đời vì bệnh nặng, ông Bài trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Ông hụt hẫng, buồn đau. Bản thân lại ốm đau, không làm gì kiếm ra tiền mua thuốc nên bệnh tình càng trở nặng. Đã nhiều năm qua, mỗi tháng ông chỉ sống dựa vào 340.000 đồng tiền trợ cấp từ Nhà nước. Thương cho hoàn cảnh của ông, bà Đỗ Thị Thu Trang, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu phố Thạnh Hòa A đã vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho ông 10kg gạo/tháng. Ông Bài tâm sự: “Cứ mỗi lúc trái gió trở trời là toàn thân tôi đau nhức không đi lại được, nhất là vào tháng mưa”. Với số tiền ít ỏi có được, ông chỉ để dành mua thuốc uống. Hôm nào hết thuốc thì ráng chịu đau. Ông bảo: “Ăn uống chỉ “qua loa”. Bà con lối xóm có thương, cho gì thì ăn đó. Nhiều lúc cũng nhịn đói, nhưng riết rồi quen”.
Khổ cực, bệnh đau, vậy mà ông đã sống như thế hết ngày này qua tháng nọ. Cả cuộc đời của ông gần như chưa bao giờ được sướng, chưa bao giờ cầm được tiền triệu. Nhưng có lẽ ông cũng không mơ tưởng gì quá cao xa ngoài việc có được ít tiền để uống thuốc trị bệnh.
QUANG TÁM